Your choices, Your destiny

Between now and then, I prefer then

Between me and someone else, I prefer them

Between the freedom and being trapped, I like to be trapped in freedom

Between money and hobby, I use the money to buy hobbies

Between here and then, I prefer where?

Ask myself an alarm, then I must stop daydreaming

Being not okay, is it safe to say so?

Being a failure, am I worth to live then?

Coming back to zero, who would give me a hand?

Having nothing but sorrows, anyone feels the same?

Between hope and depression, neither of them is mine

Being stuck in my own nut, please not break it too loudly

Ask myself a question, do I really wanna move?

Nope, I’m (still) not ready yet.

Living my own life within someone’s rules

Is it safe to do so?

Is it safe to do so?

Is it safe to do so?

Is it safe to do so?

Is it safe to say so?… (out loud)

February 2, 2020

Sweaty night, 33oC

3rd showering

22:10

Những status viết mà không chịu post

  1. Con người ấy mà, yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét cả tông ti họ hàng. “Phụ nữ ấy mà, khi đã không thuận mắt thì có thế nào cũng không thể làm bạn bè, còn nếu đã thuận mắt, ngoại trừ đàn ông không thể chia sẻ, những thứ khác không cần phải nghĩ nữa”. Mình ấy mà, những năm qua có tuyệt vọng với 1 số người là phụ nữ vì không thể nào có tiếng nói chung và không thể chấp nhận tự đày đọa bản thân mình cùng với họ. Mình ấy mà, may mắn là cơn khủng hoảng do những người khác không ảnh hưởng lắm đến mình, mình lại có những người bạn mới, sống 1 cuộc đời mới và quên mất 1 số những người kỳ lạ ấy rồi.
  2. Hôm nay lại một người bạn nữa bỏ tôi ra đi. Khép lại thêm một quyển truyện mà tôi đã đeo đuổi hai, ba năm nay cảm giác thật sự… rất kỳ lạ. Như hụt hẫng, như bỏ rơi đâu mất một cái gì đó thân thuộc như hơi thở, như tay chân… Chỉ 1 chữ thôi- buồn! Buồn đến khóc cũng làm biếng!
  3. Rất nhiều thứ bạn không hể thắng thắng đối mặt với nó thì bạn sẽ thua không còn đường lui. Ví dụ như tình cảm vợ chồng cũng như là khát vọng của bản thân.

    Hai người xa lạ cột chặt với nhau bằng trách nhiệm phủ bên ngoài một tấm áo mỹ miều gọi là tình yêu thì lắm lúc nóng trời mệt mỏi cũng muốn cởi tấm áo phiền phức này cho bớt nực nội. Nhiều hơn cả yêu thích một ai đó là phải thấy thoải mái khi ở cạnh người đó bao gồm cả việc họ chấp nhận bản thân mình cũng như nhận được sự tôn trọng và dung túng ngược lại từ mình.

    Mỗi một giai đoạn của đời người đều có ý nghĩa của riêng nó. Mình tự hỏi hôn nhân có phải là một trải nghiệm bắt buộc phải trải qua trong cuộc đời của bất cứ ai hay không? Mắt thấy người khác giày vò nhau hàng ngày mà vẫn phải ‘diễn’ tròn vai cho xã hội xem. Nghe thấy sự ràng buộc bằng trách nhiệm của những cặp đôi khến cho họ tự đánh mất bản ngã và dần trở thành một sản phẩm lỗi của tạo hóa. Đọc được thấy ánh nhìn của chán ghét trong ánh mắt của những người trong cuộc thay thế hoàn toàn cho những ảo tưởng tươi ngọt trước ngày họ đến với nhau. Mặn chát những giọt thất vọng và cay đắng của sự phản bội mà phần lớn là đến từ phía những kẻ nhỡ… bỏ ra nhiều hơn trong mối quan hệ hai chiều này so với bên còn lại.

    Biết rõ là thế, nhưng hai kẻ dại khờ vẫn cứ thế dính lấy nhau, thường xuyên phơi bày mặt tối của hôn nhân ra cho thế nhân xem nhưng bảo họ bỏ nhau ư? Còn khuya! Ngẫm lại hóa ra con người vốn có thiên tính chịu ngược. Không có thì trống vắng mà có thì lại dày vò nhau, lôi kéo nhau cùng sa ngã…

  4. Khi chúng ta cười nhếch mép khinh bỉ một kẻ nào đó vì tánh tình xấu xí nào đó của họ bị tung hê bị đem ra làm trò cười liệu chúng ta có tưởng tượng được rằng một lúc  nào đó mình cũng có thể trở thành ‘nhân vật chính’ trong đó không nhỉ. Thật ra nếu lấy thuyết nhân quả giải thích sự việc như thế này quả là ‘lấy dao mổ trâu giết già’, không đáng! Nhưng quả thật, chuyện như thế không phải hiếm và còn lại xảy ra rất thường xuyên với một số người mà người ta gọi là ‘căn đến sớm’. haha
  5. Yêu một ai đó thì dễ quá

    Ngoại hình đẹp- yêu

    Tính cách thu hút- yêu

    Gia thế giàu có- ngưỡng mộ- yêu

    Thành tích vượt trội- ngưỡng mộ- yêu

    Nhưng ‘yêu’ đó có phải như cái ‘yêu’ mà tiểu thuyết hay nói? Là khi trái tim rà trúng tần số, khi đêm về thao thức nhớ mong người ta, khi không gặp thì nhắc mà gặp thì bẽn lẽn kiếm cách trốn xa xa một góc mà nhìn. Rõ là vừa muốn ‘anh biết’ mà vừa muốn ‘anh không biết’ =))))

  6. Có một cách để giải phóng suy nghĩ trong đầu, đó là hãy viết chúng ra. Nhưng làm thế nào đây, viết thế nào cũng không đủ và làm cái gì cũng thấy đầu óc trì trệ?!!! Có phải là mình đã ngủ quá nhiều hay không? Thật tệ là tự dưng lại có cảm giác muốn chây lười nằm ỷ lại vào người khác, chả muốn làm gì cả như thế này. Nhìn người khác để học tính tốt của người ta chứ đâu phải để ganh tị hay ganh ghét phải không nà? Đã biết mình yếu cái gì thì phải tăng gấp đôi gấp ba thời gian cho nó, để không còn thời gian trống thì sẽ không suy nghĩ vẩn vơ. Kể cả thói quen xấu cũng vậy. Cứ kiếm chuyện khác cho mình bận rộn thì sẽ không nghĩ về nó nữa thôi mà. Không khó lắm đâu cưng à, thử đi nào!!!!!
  7. Mình muốn hỏi cuộc đời: mình đang có gì trong tay

    Sau tất cả những nỗi đắng cay này

    Hay là mình về quê ôm mẹ thôi nhỉ

    Lánh xa đời

    Chạy trốn khỏi những nỗi buồn dai dẳng không tên

    Bỏ qua đi, bước những bước dài thoát khỏi đau thương

  8. Mình không muốn bản thân mình phải suy nghĩ quá nhiều về tất cả điều này nhưng trái tim mình mình biết, nó không ở chỗ này lâu rồi. Làm sao có thể yên tâm phấn đấu vì 1 cái gì đó vô hình trong khi mắt này, tim này chỉ nhìn thấy những thứ hữu hình. Tuổi 25 của mình đang vùn vụt bay qua kể từ khi khởi động công tắc vào đời ngày này 03 năm về trước. Có thể đã nghĩ đến cũng có thể không, nhưng cảm giác hối hận và chông chênh là sự thật. Người ta sẽ lựa chọn ra đi khi người ta cảm thấy mất tự tin về kiến thức và con người mình, cảm thấy mình không đủ giỏi, không đủ dũng cảm để tiếp tục dấn bước, cảm thấy bên ngoài ồn ào quá mình cần phải chậm lại để lắng nghe bên trong mình, cảm thấy cần 1 lần lột xác và biến mất để lần quay trở lại sẽ rực rỡ hơn bao giờ hết. Cảm thấy cần được bình yên. (Một ngày giữa năm 2016)
  9. Lòng trắc ẩn của kẻ mạnh

    Thông thường trên đời này, kẻ mạnh là kẻ chiến thắng chứ không phải kẻ chiến thắng là kẻ mạnh. Con người có sẵn sức mạnh trong người sẽ không biết sức mạnh quý giá thế nào và sẽ không coi trọng nó, tuy nhiên kẻ yếu là kẻ suốt đời không có được 1 góc của kẻ mạnh, những kẻ như vậy rất khát khao trở nên mạnh mẽ và 1 khi có được sức mạnh sẽ biết quý trọng nó hơn. Nhưng quan trọng là khi trở nên mạnh mẽ, những người này sẽ có lòng trắc ẩn mà 1 kẻ mạnh bình thường không có.

    Vậy nên, cậu không nhất thiết khi sinh ra đã mạnh mẽ, Cậu không cần trở thành 1 người lính hoàn hảo nhất, mà ít nhất hãy là…1 người tốt!

  10. Thưa anh, bây giờ anh yêu em thế này nhưng khi em già em xấu đi, anh có còn bên em?

    Phụ nữ sợ nhất mình già, nhưng càng sợ hơn nữa là để người mình yêu nhất thấy mình xấu đi từng ngày, thấy mình lúc mình tàn và xấu nhất?

    Hỡi người yêu em, khi ấy anh sẽ ở đâu?

    Bất chợt tôi nghĩ ra ai rồi cũng sẽ già, còn điều gì quan trọng nữa khi tiền bạc đã chẳng thể cứu vãn bất cứ điều gì?

    Nếu một ngày ta chợt chận ra mình đã bỏ qua nhau rất nhiều lần không biết mình sẽ có cảm xúc như thế nào?

    Cho em 1 ngày 1 ngày thôi, 1 ngày chưa đủ thêm 10 ngày… bao nhiêu ngày cũng không đủ nếu chính mình còn không biết mình đang cần gì, phải không?

    Người con trai ấy rốt cuộc có ý nghĩa gì trong cuộc đời tôi? Chúng tôi sẽ đi cùng nhau bao lâu? Đáng thương thay cho 1 đứa con gái quá suy tính thiệt hơn trong tình cảm nên rốt cuộc nhận được cái giá phải trả cho suy tính của mình. Tình yêu có đôi khi phải tách rời lý trí, 1 đứa con gái tình cảm không nên thái quá nhưng cũng không nên quá lý trí, có đúng không?

    (To be continued) 

New confession: I quit law school, start Psycho

Phần 1

Chia sẻ: Lý do tôi học Psychology

Vì lẽ gì mà dân Luật không lo học Luật lại chạy sang Úc học Psycho???

Quả là một câu hỏi khó trả lời.

Chỉ biết rằng mình tu là đạo CẦN THIẾT. Giống như Trần Trường Sinh trong Trạch thiên ký[1], mình rất coi trọng thứ gọi là THUẬN TÂM Ý. Đạo này nói cốt lõi chính là tiết giản mọi thứ, xem trọng độ hòa hợp giữa tâm và trí. Dẫu chuyện mình muốn làm có khó khăn, có không hợp nhãn thiên hạ đến đâu, nếu nó với mình là CẦN THIẾT, không phải nó không được, thì mình nhất định sẽ làm, không màng hậu quả.

GIẢI THÍCH Tiền căn hậu quả:

Bất kể vấn đề gì trong cuộc đời mình từ năm mình 26 tuổi đều đã thay đổi. 25 năm về trước, mình là con ngoan, trò giỏi, những thứ ba mẹ mình đặt ra cho cuộc đời mình, mình đều làm được. Nhưng cuộc đời mình cứ như một chuỗi các nhiệm vụ chưa được hoàn thành, mình dần dần đuối sức với việc phải tích lũy thêm skills, thêm resources để ‘qua màn’. Mình học giỏi, nhưng mình không thấy những thứ học được có gì hay ho. Mình kiếm tiền được bằng số kiến thức tích lũy từng ấy năm, nhưng mình không thể làm chủ chúng nó. Thay vào đó, mình bị cầm tù trong cái ao làng tối tăm trong suy nghĩ của chính mình. Mình không thể nhìn rõ bản thân. Không biết mình muốn gì. Không biết vài năm nữa sẽ ra sao. Quan trọng hơn là con vi rút tò mò nó ăn mòn mình hàng ngày. Mình tò mò về thế giới, mình chán nản mình của hiện tại, mình cảm thấy sống nhạt như mình năm 25 tuổi cũng giống như mình của 45, 55 tuổi rồi vậy. Cuối cùng, mình không muốn tuổi đời tăng mà con ếch trong mình chỉ ngày càng béo ú lên mà chẳng khôn ra được gì. Mình quyết định QUIT JOB.

QUIT JOB= Nói cho sang mồm là mình đi du học. Còn phiên bản tả thực là thất nghiệp ăn tiền tiết kiệm + trợ cấp của Bố mẹ.

[1] Trạch Thiên Ký- tiểu thuyết võ hiệp, huyền huyễn, tu đạo với nhiều triết lý hay ho về tuổi trẻ, về tâm bản, về tình thầy trò, huynh đệ, bằng hữu; 1 xíu về tình yêu trai gái. Tác giả: Miêu Nị.

Trên đây là tản mạn về mình trong mắt mình bên trái cột mốc số 26. Từ giờ sẽ là nhìn nhận qua lăng kính của đứa bên phải cột mốc. Mình biết quyết định bỏ cuộc của mình khá ích kỷ. Rõ ràng là mọi thứ hình như đều chớm nở cho kinh tế nhà mình sau khi mình có công việc ổn định và lương cao. Nếu mình có thể di dời cái sự bướng bỉnh này qua 1 năm nữa, biết đâu số gánh nặng trên vai ba mẹ mình giờ sẽ ít hơn đôi chút. Nhưng lúc đưa ra quyết định làm cái gì đó cho bản thân mình biết đó đã là giới hạn chịu đựng của bản thân. Nếu công ty có Counselling, có ai đó nghe được tiếng lòng của mình, có khi mình sẽ không ra đi sớm đến thế. Đáng tiếc xã hội tư bản quan trọng lợi ích này, vai trò của mình còn chưa tới mức không thể thay thế được. Cho nên công ty thả mình đi, mình cũng biết đủ mà dừng trò chơi lại. Đấy gọi là đạo CẦN THIẾT. Là thấy đủ mà dừng, là thấy cần phải dừng lại để mở ra một chương mới, để sau đó khi nhớ lại vẫn thấy quyết định của mình chưa hẳn là hay ho nhất, nhưng là HỢP ý mình nhất. Sống trên đời còn gì sung sướng hơn được tự tay mình mở ra và đóng lại tâm ý của chính mình, phải không?

Chuyện thứ hay là khi mình sang Úc du học. Vì sạo lại là Úc? Vì sao lại du học? Vì sao lại học Psychology and Counselling?

Quan trọng hơn cả sự tò mò, đi sang một nước phát triển học tri thức của nước học nói cho cùng là để thỏa mãn cái ước muốn được nhìn nhận lại bản thân của mình. Ai cũng nói mình giỏi. Trong dòng họ không ai làm được những điều mình đang làm. Cha mẹ mình đã không thể góp ý gì cho mình những chuyện mình rối rắm nữa rồi. Mỗi bước mình đi đều là cẩn thận mà nhón chân trên dây (tưởng tượng như diễn xiếc hỉ?!). Chỉ bản thân mình biết mình đã cố gắng, đã mệt mỏi tới mức nào. Mình biết tới lúc mình nói XIN LỖI, CON ĐÃ CỐ GẮNG HẾT SỨC RỒI, là lúc mình sẽ buông tay cho những thứ nặng nề mình đang gánh vác này đổ sụp xuống đầu, xuống thân mình. Cho nên mình biết là lúc này đây, mình nên bỏ xuống những kỳ vọng này, những lo toan này, những áp lực này và ra đi. Làm gì cũng được nhưng phải sống khác đi. Ừ, phải SỐNG KHÁC ĐI!

Nhưng trước khi biết nên đi tiếp như thế nào, mình thấy CẦN THIẾT phải nhìn nhận lại bản thân. Bao năm qua lần đầu tiên so sánh lại mình trong mắt người khác và mình của thực tại. Liệu những gì mọi người cho là đúng có đúng với mình. Trong 3 năm lăn lộn ở Cam, mình luôn muốn gầy đi ít nhất 5 ký hay ít ra phải trở lại trước khi đi làm (2013), tầm 55- 56kg. Mình luôn cảm thấy mình quá béo, bụng mình do làm văn phòng 10 tiếng một ngày nên hẳn là mỡ đóng thành tảng. Chân mình to quá cỡ, lại ngắn nữa. Nhưng vượt lên trên hết là cái mặt mình, chu choa là chi chít mụn mẹ mụn con, mụn ẩn ẩn hiện hiện như sa đồ tác chiến. Nói tóm lại, mình cảm thấy càng ngày mình càng không hề tự tin với ngoại hình của mình. Ngoại hình không ăn ai, vậy còn tính tình và thứ mình có trong đầu? Mọi người đều nói mình ‘tuổi trẻ tài cao’. Nhưng mình biết sau lưng mình họ vẫn nói là mình ‘mặc cái áo quá rộng’. Trước mặt mình họ tỏ ra tôn trọng quyết định của mình, nhưng chắc gì họ đã tâm phục khẩu phục. Làm lãnh đạo ở một tuổi đời quá trẻ trong một tổ chức đã già có phải là một canh bạc dễ đánh hay không? Mình không trả lời được nhưng mình đã quá chán ngán những cuộc họp bằng mặt không bằng lòng, những trò cả vú lấp miệng em và tranh công tráo trở, cả những vai diễn vừa đấm vừa xoa, ‘cây gậy và củ cà rốt’ của những đồng nghiệp 2 màu tóc này rồi. Nhưng khinh thường của người khác không bằng sự ẢO TƯỞNG và NGỘ NHẬN của bản thân. Đứng trên vai người khổng lồ thì thành công sẽ đến nhanh hơn. Nhưng đó có phải là thành công thật hay lại là đồ ảo với nhãn mác xịn sò. Mình sợ hãi sẽ có một ngày mình quen với mùi vị này và không thể sống thiếu nó, đến lúc đó, những lời nói dối về năng lực này nói mãi cũng sẽ tin là thật. Thực có như thế nào chính bản thân mình phải hiểu hơn ai cả. Mình hẳn là giỏi BẮT CHƯỚC, chứ còn bàn về THỰC LỰC. Mình tự biết mình chưa đủ tầm để ngồi ở vị trí đó. Vậy nên chuyện CẦN THIẾT là người nào có vị trí nào thì đóng vai đó. Từ bỏ công việc đó, mình chỉ quay trở lại với chính mình mà thôi. Không có gì xấu hổ cả.

Đến Úc để học lại về bản thân. Nghe nhiều, đọc nhiều, xem nhiều về chuyện học hành ở các nước phương Tây rồi, những năm tu luyện này, mình muốn đến một nơi như vậy. Nhưng không phải chỉ để học. Nếu để học thêm 1 cái bằng về lòe thiên hạ, mình sẽ chạy sang Mỹ, sang Anh. Chỉ một năm là có bằng, chưa kịp ngáp xong thì đã học xong quay về rồi. Quan trọng hơn việc học tri thức, mình muốn học phong thái, học cách người ta sống và làm việc, Nói một cách đầy tham vọng, mình muốn thử thách bản thân bằng cách SỐNG như một người bản xứ. Cho nên thời gian 1 năm là quá ngắn, mình sẽ không thể học được gì nếu 80% thời gian mình phải bỏ công sức cho đống kiến thức khổng lồ. Phong cách Úc nói gọn lại là LƯỜI. Điều này không có gì xấu cả. Họ chỉ thích làm việc dài dòng và kéo dài những thứ vốn ngắn gọn ở các quốc gia khác. Ở điểm này mình lại cực kỳ ủng hộ. Mình đã sống nhanh, sống gọn, sống gấp gáp hơn 20 năm ở một nước đang phát triển chạy cơm từng bữa rồi. Mình muốn rửa mắt mà xem nếu có thể chậm lại một chút, mình sẽ nhìn kỹ lại bản thân được không?

Muốn xem lại mình, thì phải học ngành gì? Học Luật tiếp tục để đánh giá nền lập pháp trong nước và nước ngoài có gì khác nhau sao? Quá vĩ mô, dù gì mình cũng không muốn tiếp tục lao đầu vào mớ kiến thức nhiều chỗ vá của 4 năm đào tạo tại Việt Nam, cũng không muốn lại quay về Việt Nam làm một tư vấn pháp lý. Quan trọng hơn là luật là ngành rất đặc thù mang tính cục bộ. Nền pháp lý ở đây và nơi mình sống hoàn toàn khác nhau. Những thứ mình sắp học chỉ là nửa vời ở trình Thạc sĩ với một đứa mà JD của Luật nước này còn chưa học thì làm sao mình có thể hót được khi kề vai với chúng bạn ở đây? Quan trọng hơn là mình đã chết tâm với ngành Luật rồi. Mình cảm thấy không hứng nổi khi nhắc về nó nữa. Vậy nên mình không tiếp tục gắn bó với Luật. Mình chọn Social Science và chọn nhánh rẽ là Psychology and Counselling. Lúc chọn chỉ để ý background LLB thì học được ngành gì, đến khi chọn rồi mới thấy sao mà…có duyên đến thế. Hay ho làm sao mình chọn bừa mà lại được học về nghiên cứu, học về nữ quyền, về dân tộc tôn giáo và hay nhất là về tư vấn và điều trị tâm lý. Thật là có duyên!

Xin hãy refresh nó mỗi ngày

Tôi tự nhủ: mình nên mơ một giấc mơ lớn. Sau đó tôi sẽ sống gọn ghẽ trong cái ổ mơ mộng đó cho tới khi tôi trăm tuổi. Tuyệt nhiên là sống ‘một mình’ nhé. Và đây là đang nói về mặt cảm xúc, chứ thực tế tôi sao có thể kiếm được một nơi thế ngoại đào viên không người lai vãng trên cái Trái đất hơn 7 tỷ người này đây. Nhưng tôi biết khi tôi xây không gian mơ mộng của mình, tôi sẽ bố trí các ‘kết giới’ để đảm bảo không có ngoại vật tiến vào, không có bất cứ thứ gì hay người nào có thể ảnh hưởng tới tôi và những gì tôi mơ tưởng. Bởi vì tôi biết, ngay cả khi là người thân nhất cũng không thể sống cùng tôi trong vùng đất xây bằng tâm trí của tôi. Nói cách khác, không có ai yêu bản thân, hiểu bản thân và chịu đựng bản chất xấu xí nhất của chính tôi như tôi được.

Không gian đáng mơ ước này không bị gói gọn trong phạm vi hẹp của 1 ngôi nhà, 1 mảng đất, 1 thành phố hay 1 đất nước. Đó có thể là bất cứ đâu miễn là tôi có thể tưởng tượng được. Có thể là 1 căn phòng chật chội đủ để kê 1 cái nệm, 1 cái bếp, 1 cái tủ. Cũng có thể là một căn lều dã chiến dựng tạm bên bờ Nại Hà mênh mông hoa bĩ ngạn.

Cũng không có một giới hạn nào về thời gian hay tiêu chuẩn ngày tháng nào được áp dụng. Vì ở đó, mọi vật tồn tại là vì tôi. Năng lượng nuôi sống thế giới đó, quyết định cho sự tồn tại của nó hoàn toàn dựa vào năng lực tưởng tượng và logic của tôi.

Câu hỏi lớn là: giấc mơ của tôi là gì? vùng đất đó sẽ xây ở đâu?

Mỗi ngày sẽ vào ‘xây’ 1 chút vậy.

Viên gạch đầu tiên: 1/10/2018, 8h36pm.

My father- my pride

Trích series #trainjournal.

Viết một chút về ba tôi trong những ngày cảm xúc rối nùi ở Sydney…

Cảm giác hiện tại trong lòng tôi rất rõ rệt, hệt như mỗi ngày tôi đều cảm thấy, như một sự thật mà tôi không thể nào chối bỏ vậy. Tôi cảm thấy rõ ràng rằng ba mẹ tôi đã già đến như vậy và tôi cũng đã lớn đến thế này…

Trên chuyến xe buýt mà hàng ngày hai chị em tôi hay đón đi làm, ba tôi vẫn luôn đứng ở đó, vẫy tay tạm biệt. Trong một tháng sang đây thăm cứ hễ không phải đi làm là ba đi cùng chúng tôi ra đợi xe đón. Đều tăm tắp như thế khiến tôi ngỡ như trước đây ba vẫn thường làm thế và chỗ mà cả nhà tôi đang ‘tạm trú’ hóa ra cũng quen thuộc như nơi tôi sống hai mươi lăm năm qua. Những ngày ấu thơ xưa cũ như một cuốn phim quay chậm chiếu lại từng cảnh một trong đầu tôi. Ở đó có người cha nào đó cũng đang tạm biệt hai con đi làm, chỉ khác là không gian đó khác quá, chiếc xe hai chị em đèo nhau cũng khác và quan trọng là màu tóc trên đầu người cha chưa phải là màu muối tiêu mà muối nhiều hơn tiêu như bây giờ. Bỗng nhiên tôi nhận ra sự trớ trêu của thời gian. Khi bạn ngóng trông nó trôi nhanh từng ngày để rời nhà, nó sẽ lê từng bước chậm rãi cùng bạn. Ngược lại, khi bạn cầu xin nó đừng trôi nhanh như tốc độ bạc tóc của ba mẹ bạn, nó cũng chỉ ngoảnh mặt làm ngơ mà chả để ý gì đến thỉnh cầu của bạn.

Cuộc đời quả nhiên là sự tiếp nối của các thế hệ. Ba và mẹ, chị hai và mình, hai người lên tàu thì hai người xuống tàu, hai người lên chuyến tàu khác bỏ lại hai người đang đuổi theo toa tàu. Ngay khoảnh khắc chiếc xe buýt chở mình và chị hai lướt qua ba, mình đã biết thời gian cả nhà bốn người ở cùng nhau không còn nhiều. Bãi cỏ cả nhà đi cùng nhau hôm nay, chiếc xe buýt mỗi ngày cả nhà vẫn thường chờ đợi, chuyến tàu chở cà nhà đi chơi cùng nhau.. tất cả bọn chúng hôm qua đều là những vật vô tri, nhưng sau khi cả nhà rót vào những kỷ niệm cùng nhau, tự dung chúng như được sống lại, ít nhất là chúng sẽ được nhớ rõ qua hồi ức của cả nhà mùa xuân năm đó. Cho nên, con gái à, nếu có một ngày phải nói lời tạm biệt, nhớ rằng tất cả chia ly chỉ là sự chuyển tiếp tạm thời và không có khổ đau.

Thương mến./.

Nhiều năm về trước- Nhiều năm về sau

Trích series #trainjournal.

Nhiều năm về trước , người mình cho rằng là người cuối cùng cũng tìm được bỗng dung không phải như mình tưởng tượng.

Nhiều năm về sau, khi mình vốn đã không chờ đợi nữa, một người lạ quen thuộc lại xuất hiện một cách sáng chói.

Nhiều năm về trước, mình đã nghĩ hễ yêu mến một ai thì định nghĩa thời gian là trọn đời.

Nhiều năm về sau, mình nhận ra rằng đời người là hữu hạn, mà cái còn khó hơn kéo dài nó ra là trông ngóng một cái gì đó trọn đời.

Nhiều năm về trước, mình cầu vật chất, tôn thờ một cuộc sống nhiều hào quang. Mình từng cho rằng thành công được định nghĩa bằng không lo cơm ăn áo mặc và chi tiền không cần xem ví. Những năm tháng đó, mình đã quen với hưởng thụ ánh mắt hâm mộ của nhiều người.

Nhiều năm về sau, mình hiểu rằng mình đi xa đến như vậy, một đứa đã chuẩn bị sẵn tâm lý sống cô đơn một mình đến cuối đời như mình thì tại sao lại dễ dàng buông xuôi chọn đại một món rau đại trà trong siêu thị hay một đáp án ‘như số đông’. Tại sao một đứa có thể vứt bỏ tất cả mọi thứ người khác truy cầu cả cuộc đời như mình lại không dám theo đổi cái gọi là tình yêu đích thực? Mình trả giá nhiều đến vậy không phải để kết thúc cuộc sống một cách tầm thường bằng hôn nhân mai mối và áp lực gia đình. Tại sao bản thân có thể lấy tâm của chính mình đi đổi lấy những thứ như tài sản như nhà cửa, công ty, tiền bạc mình mà khả năng của mình đều có thể kiếm được. Chả có lẽ nỗ lực đi xa như vậy là để tìm về những thứ tầm thường thế sao?

Nhiều năm về trước, mọi người nghĩ mình điên rồi. Công việc đang ổn định, lương đang cao, có nhà có xe, cuộc sống không có gì chê trách lại đùng một phát bỏ đi thật xa làm lại từ đầu.

Nhiều năm về sau, mọi người vẫn nghĩ mình điên (haha). Có người để ý ở tuổi đấy (26) là đã quá đủ mơ ước rồi. Lại còn có nhà, có xe. Mắt mình có phải là đã cao quá đầu rồi hay không? Lúc đầu với câu hỏi như thế này, mình cũng mơ hồ có chút dao động. Nhưng dần dần đáp án ngày càng minh bạch trong đầu mình. Tình yêu là một thứ rất khó nói. Không yêu có nghĩa là không yêu chứ không có kiểu nửa vời như ‘thấy đáng thương có lẽ sau này sẽ yêu’ (đấy gọi là thương hại), ‘mưa dầm thấm lâu lấy về rồi yêu sau’ (đấy gọi là thói quen). Nếu bản thân mình không muốn một thứ tạm bợ thì tại sao lại khiến cho người khác rơi vào cảnh tạm bợ? Cho nên nhà hay xe của họ thì có liên quan gì đến mình? Đồ của họ vẫn là của họ, tình yêu nên dành cho đúng người. Những kẻ cô độc nên kết hợp với những kẻ cô đơn khác chứ không nên mơ mộng hão huyền mà chấp nhận một kẻ tạm thời ‘thay thế’ cho Mr/Mrs Right của đời mình.

Đôi lời thế thôi.

Thân ái./.

 

 

Lonely Planet

25 Oct 2017- series #trainjounal

Giờ thì tôi đã hiểu vì sao người ta lại gọi Trái đất là ‘Lonely Planet’. Vũ trụ bao la rộng lớn, chỉ riêng mình ta cô đơn. Đơn độc sống một mình không phải là do hoàn cảnh hay tự nhiên nó thế. Độc lai độc vãng là một sự lựa chọn. Có lẽ bởi vì chính con người- giống loài đứng đầu trong chuỗi thức ăn trên hành tinh này, dẫn đầu cho xu hướng ‘một mình’ này. Cũng có lẽ vì họ thấy khó khăn trong việc thấu hiểu người khác, chấp nhận sự khác biệt của họ và làm quen với việc sống với những điều không hoàn hảo.

Sự khác biệt thế hệ

Những người tưởng hiểu nhau nhất, thân thuộc từng thói quen của nhau như những thành viên trong gia đình cũng đôi khi không thể thấu hiểu được nhau. Chỗ này cần làm rõ việc biết và hiểu là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Biết từng ngõ ngách trong tâm hồn nhau chưa hẳn đã thông cảm được cho nhau. Yêu thương nhau nhưng chưa hẳn đã bao dung được những lỗi lầm vô ý. Cung chảy chung một dòng máu đấy, nhưng chưa chắc đã thông cảm được những thay đổi trong suy nghĩ của những người thân thuộc cùng sống chung dưới một mái nhà. Cha mẹ và con cái, anh/chị và em, ông bà và các chau, giữa những phạm trù quan hệ này đều tồn tại một hố sâu ngăn cách không thể xóa nhòa mang tên thời gian.

Nhưng ngẫm lại, cũng chính thời gian là liều tiên dược có thể chữa lành mọi thứ. Thời gian có thể khiến cho những lỗi lầm được tha thứ, những day dứt được dỡ bỏ và vết sẹo dù gây ra bởi ngôn từ sắt bén cỡ nào cũng dần dần phai mờ. Điều kiện tiên quyết là ‘có đủ lâu’ (how long?) để một cuộc chuyển biến trong nhận thức được ươm mầm, nuôi dưỡng cho tới khi nó thoát được khỏi gong cùm trói buộc của ý thức và bất ra khỏi vòm miệng. Xác suất cao nhất quá trình này xảy ra là sau khi một trong hai bên trên cán cân quan hệ này… không còn nữa. Lúc này, người ta gọi nó bằng một cái tên khác là ‘sự hối hận muộn màng’.

Từ ngày ba mẹ sang, những  va chạm về thói quen, những xáo trộn trong cuộc sống hai chị em đều khiến cả hai khó chịu. Tuy nhiên, cả hai tự nhủ với lòng rằng, chỉ có một tháng này trong vòng hai năm tới, hai chị em mới được gần cha gần mẹ. Cho nên cả hai đều rất nhún nhường và cố gắng kiểm soát cái tôi của bản thân. Và có lẽ ba mẹ của hai đứa cũng nghĩ vậy. Nên biết rằng người già thay đổi môi trường và làm quen với một hoàn cảnh sống mới toanh khó khăn hơn chúng ta vẫn thường tưởng tượng rất nhiều. Vậy mà, một người thì không nề hà việc gì, cố gắng đi làm 6/7 ngày một tuần, còn một người chu đáo cơm canh ba bữa, cả hai đều ra sức làm tốt vai trò của bản thân để không trở thành gánh nặng của ai. Mặc cho những người trẻ tuổi loay hoay với câu hỏi không lời đáp là liệu cha mẹ như thế có phải là du lịch không? Hay là xuất khẩu lao động thì đúng hơn???

Hai thế hệ nghiêm túc kiểm điểm lại lần cuối cùng họ đã từng sống cùng nhau như thế này là bao lâu rồi nhỉ? Có lẽ là từ lúc mình kết thúc năm lớp 9 đến nay, nghĩa là từ năm 16 tuổi mình đã không sớm chiều gặp mặt như thế này. Vậy đáp án chính xác là chúng ta đang tái hiện cuộc sống của 10 năm trước- khi chưa có chuyển biến gì lớn trong gia đình và cả nhà vẫn sớm tối về bên nhau. Vậy hà cớ gì không mượn cơ hội này quý trọng nhau, làm cho nhau hạnh phúc hơn đây? Bởi cuối cùng suy đi tính lại thì chẳng phải hạnh phúc lớn nhất của con cái là khi mình muốn quay đầu lại chăm sóc đấng sinh thành thì hai người vẫn còn khỏe mạnh hay sao? Dù có chút muộn màng, nhưng cuối cùng mình đã hiểu ra còn rất ít thời gian để sửa chữa sai lầm. Những ngày còn lại phải là những ngày vui vẻ nhé….

Review Series 4 tập TRÂM

Series 4 tập của tác giả Châu Văn Vân bao gồm:

  1. Trâm I- Nữ hoạn quan
  2. Trâm 2- Kẻ yểu mệnh
  3. Trâm 3- Tình lang hờ
  4. Trâm 4- Chim liền cánh

trâm

Haha thiệt rất tình cờ là truyện đầu tiên được chọn post trên blog lại dính tên mình trong suốt 4 tập, đủ thấy em và mình có duyên phết í nhỉ.

Câu chuyện kể về cô gái thiên tài được vạn người kính ngưỡng trong một đêm vật đổi sao dời, trở thành kẻ tình nghi hạ độc giết cả nhà vì một lý do oái ăm là vì không muốn bị ép gả cho kẻ mình không yêu. Bất ngờ thay, kẻ tố cáo cô và nộp bằng chứng cho Tiết độ sứ xứ Thục lại là người yêu thanh mai của cô- người mà được cho là nguyên nhân khiến cô giết cả nhà. Không chấp nhận được sự thật nghiệt ngã, cô gái giả trai trà trộn vào quân lính của phủ Quỳ Vương hòng trốn lên kinh thành tìm người minh oan rửa sạch tội trạng. Không may cho cô là khi đang trốn chui trốn nhủi lại bị Quỳ Vương bắt gặp, nhưng cũng từ đây cuộc đời Hoàng Tử Hà may mắn giở sang trang mới. Cô chính thức trở thành ‘Dương Sùng Cổ’- hoạn quan hạng bét trong phù Quỳ. Bằng cách giúp Quỳ vương Lý Thư Bạch phá các án oan trong kinh thành, cô gái thần thám ngày xưa bây giờ đã là tiểu hoạn quan thần thám, bằng đầu óc suy luận sắc bén của mình đã từ từ lần ra các manh mối quan trọng không chỉ giúp phá giải oan khiên giết hại cả nhà của cô mà còn làm sáng tỏ bức màn đáng sợ bao trùm vận mệnh của Lý Thư Bạch- người đã cưu mang cô. Và cũng vì vậy, từ hai kẻ xa lạ, Hoàng Tử Hà và Lý Thư Bạch trở thành những mảnh ghép không thể thiếu trong cuộc đời nhau. Sự biến chuyển của ngôi sao chiếu mệnh hai người cũng làm cho số mệnh những kẻ khác vần xoay hoán đổ, và kéo theo là sự sụp đổ của cả một triều đại vốn đã lụi tàn từ bên trong.

Truyện này được độc giả xếp vào thể loại NỮ CƯỜNG- TRINH THÁM cũng có lý do của nó, truyện có thể nói là bộ ngôn tình trọn vẹn kết hợp dùng đầu óc suy nghĩ rất hấp dẫn, rất ám ảnh và không thể dừng giữa chừng được một khi đã bắt đầu đọc. Kết cấu truyện là một loạt các vụ án mắc xích lẫn nhau, cái sau là quả của cái trước cũng là nhân của cái sau nữa. Đặc biệt các tuyến nhân vật phân chia hợp lý, vai nào ra vai đó rất đáng khen. Vai chính thì miễn bàn về nhan sắc, nam thì ‘ngọc thụ lâm phong’, nữ thì ‘yêu kiều gây thương nhớ’, nói chung là một đôi người ngọc (Lý Thư Bạch và Hoàng Tử Hà). Vai phụ cũng được mô tả… đẹp một cách không giống con người. Một Vũ Tuyên- người tình thời niên thiếu của các thiếu nữ, xứng danh thanh mai trúc mã với Hà tỷ. Một Vương Uẩn ngời ngời khí thế con nhà vinh hiển mãi mãi chung thủy một mối tình. Thủ pháp dùng nhân vật phụ làm đòn bẩy cho nhân vật chính quá là kỳ công. Bởi các anh phụ quá xuất sắc thì đọc giả cho dù có chưa gặp thì hẳn cũng đoán được anh Bạch nhà ta là vai chính thì lại càng phải là nhân trung long phụng- là rồng trong vạn người. Các vai nữ phụ thì cũng không hề thua kém nha. Mỹ nhân càng về tuổi xế chiều càng buôn mị lực bán phấn hương. Khi đọc các phân đoạn có các nàng Vân Thiều lục nữ lên đài thật sự rất muốn bóc trang sách ra mà tận mục sở thị các vị- quá tài ba, quá xuất sắc rồi, không còn gì để nói. Nhưng hỡi ôi do không phải con ruột của tác giả nên bả làm cho chết bằng sạch, không thì cũng lưu vong lưu đày, nói chung là ‘hồng nhan mệnh bạc’. Người không thể không nhắc và hẳn phải nhắc đến rất nhiều mới thỏa là kẻ thú vị nhất tác phẩm- vai phụ của phụ- Chu Tử Tần- con nhà thế gia nhưng lại đam mê làm ngộ tác, thích ăn lạc ngào đường khi phanh thây xác chết. Anh này xuất hiện là buồn cười thôi rồi.  Từ cách ăn mặc màu sắc choảng nhau chan chát của ảnh cho tới lối tư duy không đúng trọng tâm trọng điểm đều suýt làm độc giả nghẹn nước miếng mà chết. Nhưng tuyệt phối với ảnh cũng làm cho người ta hả hê cười không dứt- Nhị cô nương, một cô gái con nhà đồ tể nhưng nhan sắc khuynh thành. Hai con người quái dị này cùng về một nhà rất đáng chờ mong nha.

Cả câu chuyện dẫn dắt ly kỳ mà hợp lí. Chắc hẳn tác giả cũng là fan của những series trinh thám hoặc ít ra cũng có tí kiến thức về phá án và cơ thể con người. Gọn gàng giải quyết từng nút thắt một trong khi vẫn giữ nhịp tình cảm của các nhân vật chính sát sao là một điểm cộng nữa cho bộ truyện bốn tập này. Để rồi khi đã đọc xong tới cuối tập bốn vẫn còn thòm thèm giở lại các chương của tập một để xem tâm tình của ngài Quỳ vương Lý Thư Bạch đã tỏ rõ cho người kia từ những ngày đầu gặp mặt. Hóa ra cái gọi là mặt lạnh vô tình của ngài vương gia vờ vịt này cũng chỉ đến thế thôi. Mang tiếng là quý nhân mặt sắt mà tặng người ta cây Trâm có khắc chữ nhỏ xíu thương thương nhớ nhớ, lại còn gợi ý họ dùng thử xem ý thích thế nào. Oái oăm thay…người nọ mới chính là vô tình- chả cho ngài tí mặt mũi nào. Hà tỷ đã xài cây trâm của người ta từ tập 1 tới tập 4 mà dòng chữ nhỏ mãi không thấy chỉ đến khi Vương gia bỏ hết mặt mũi vạch ra cho xem thì mới…., đúng là không còn gì để nói với chị Tử Hà nhà mình. Từng chút một cảm hóa trái tim đã từng bị tổn thương của con gái nhà người ta nhưng vẫn ra chiều ta đây lạnh lẽo vô tình, đúng thực là chỉ có Quỳ vương của chúng ta. May mắn cho ngài là cô nương người ta cũng đã chết tâm với tên thanh mai lòng lang và tên hôn phu chưa đủ chính khí kia, chứ không thì những chiêu trò ghen tuông vớ vẩn của ngài còn lâu mới hạ được chị.

Kết luận lại là câu chuyện tình yêu này thực ra truyền đạt thông điệp rất đơn giản- đã yêu thì phải thật lòng, đường đường chính chính giải bỏ các khúc mắc để đến với nhau. Vương gia chúng ta chê giang sơn chỉ yêu mỹ nhân thực ra cũng rất có đạo lý chứ không phải là tên hoa si thôn thường. Thử nghĩ xem, nếu cố chấp làm hoàng đế, liệu khi ảnh đăng cơ có yên với bà vợ Hoàng Tử Hà chuyên gia đi nghiệm thi coi xác không chứ? Thay vì bục mặt ra làm chủ, 365 ngày không có ngày nghỉ mà còn phải làm ‘nam kỹ’ hầu hạ tam cung lục viện, anh chọn cho mình con đường làm quan nhàn tản, hứng lên là đưa vợ con đi chơi khắp trời nam đất bắc. So sánh thế thì cái chức hoàng đế kia có gì hay ho chứ! Còn các anh nam phụ ư? Để xem nào. Phải có dũng khí nhìn nhận tình cảm của bản thân, không thể bỏ được thù nhà thì đừng gieo cho nhau hy vọng là Vũ Tuyên, còn không thể đem lại hạnh phúc cho người ta bằng kẻ khác thì buông tay là tốt cho cả hai nhe anh Vương Uẩn. Anh chàng Tử Tần thực ra rất hàn lâm nha. Anh này dạy mình bài học về đam mê và chí hướng. Ít ra có một thứ để mình sống chết vì nó, cho dù là bôn ba đi nghiệm thi hàng ngày, vẫn còn hơn là sống nhàn tản như đom đóm lập lòe- sáng thì không sáng hẳn mà tối thì cũng còn le lói. Và quan trọng hơn cả là bài học về được mất và nhân quả như thường lệ trong các truyện Trung Quốc. Cái gì của mình thì hẵng giành giật, nhưng nếu đã lỡ giành thì phải giành cho kỳ được, đã đóng vai ác thì phải trang bị tận răng để khi có thất bại thì cũng chỉ có thể than một tiếng là tài không bằng người chứ không phải hối hận vì đã chưa chuẩn bị kỹ càng. Đôi lời với vị hoàng hậu trong truyện vậy thôi. Dài quá rồi.

Rate: 4/5 sao.

Link đọc truyện ở đây: http://sstruyen.com/doc-truyen/tram–nu-hoan-quan/8538.html

 

Tâm sự hai tháng rời nhà lên đường Tây học hay Những dấu hiệu (signal) của vũ trụ ở SYD mùa thu năm ấy

Chắc từ bây giờ bớt coi mấy truyện ngôn tình lại quá tại cứ đi trên đường, thấy trai là cứ nghĩ biết đâu duyên phận sẽ thêu dệt chuyện tình của mình với trai Tây haha… *Bốp* tỉnh ngủ chưa mậy?!

Dear Nhật ký

Hôm nay là tròn 2 tháng kể từ khi mình sang Syd học. Mình chỉ muốn nói với cậu rằng 2 tháng này quả là đắng cay ngọt bùi mình đều nếm đủ. Quả thật trời phật đoái thương mình nên cho mình nhiều cuộc gặp gỡ thần kỳ, những phút yếu lòng đều không phải do ngoại cảnh hại mình mà toàn tự mình tự kỷ rồi buồn thôi. Nên mình chỉ biết cám ơn cuộc đời, biết ơn cơ hội đưa mình đến được nơi mình mơ ước mà thôi.

Những người chỉ đường và dấu hiệu- ‘signal’

11

Sân bay Kingsford Smith ngày 16 tháng 04 năm 2017

Đặt chân tới sân bay Kingsford Smith của SYD, ngoài việc thấy mệt thì mình còn thấy… nó rộng nữa. Rộng, to nhưng không ồn ào, không hào nhoáng, không xa xỉ, y như tính cách phần lớn người Úc mà mình gặp- họ khá lặng lẽ. Văn hóa ở đây khá ‘lạnh’ ở bề ngoài nhưng khi đã thân quen thì vô cùng ấm áp. Đó là chuyện sẽ kể ở đoạn thứ hai ngay tiếp sau đây, giờ thì chưa vội. Làm thủ tục nhập cảnh, cảnh sát chỉ hỏi han dăm ba câu cơ bản và thậm chí chỉ chưa đầy 1 phút mình đã tòn ten đi qua cổng Immigration và tung tăng đi nhận hành lý. Rồi các thứ khác phải làm cũng ào ạt trôi qua- đi mua sim điện thoại, đi kiểm tra hành lý, kéo đồ đi kiếm người đón..vâng vâng và mây mây…  Cái vụ người đón và ông chủ nhà là điểm nhấn thú vị của đoạn này, không kể không được. Không biết là nhân duyên hay nghiệt duyên, nói chung đến giờ sau hai tháng ở cùng vẫn chưa thể kết luận được. Có thể là nhân duyên vì mình tìm được phòng cho share trong căn Flat 4 phòng ngủ này với giá có thể nói là rẻ nhất Syd cho 1 phòng Single full đồ (dẫu là đồ đạc cũng xí muội không hà) mà chỉ bằng việc click chuột- ý là tìm được trên mạng. Thật ra mình hoàn toàn ngáo ngơ về vụ này. Không có bạn bè xem hộ phòng, không có người review phòng, hoàn toàn không biết gì về ông chủ nhà trước khi sang. Nói chung cũng bất an nhưng máu liều nó cao hơn nhiều nên đành mở mắt đưa chân, cho người lạ 1 cơ hội cũng là cho bản thân mình một cánh cửa mở lòng tin với thế giới. May mắn là dù liên lạc chật vật, đóng tiền cọc vất vả và chờ đợi cũng khá mệt, nhưng cuối cùng ông ấy vẫn ra đón mình và phòng ở cũng có thể gọi là thoải mái. Ông chủ nói chung cũng khá tốt, đi đón và chở đồ về giúp, quan trọng là từ khi mình vào đến giờ cũng chưa làm gì quá giới hạn. Những tật xấu của ổng mình toàn nghe từ miệng người khác nên tạm thời cần thêm bằng chứng trước khi kết luận bất cứ điều gì. Đến đây là hết dấu hiện thứ nhất- người dẫn đường thứ hai. Đừng quan tâm thứ tự ở đây, vì nó chỉ mang tính tương đối thôi.

May mắn lại đến với mình lần thứ hai khi cho mình gặp người cùng nhà dễ thương. Các du học sinh share nhà như mình thật ra rất khó khăn trong những bước đầu tiên. Hòa nhập vào môi trường sống ở đây, xem mình là một thể với xã hội nơi này là một trong những tiêu chí đầu tiên đánh dấu bước đi chập chững của người xa lạ như mình trong cộng đồng Việt kiều nơi đây. Như đã nói, rất may mắn là có chị Mai (Jenny). Thật ra, không rõ tên thật của chị có phải là Mai không vì chị ấy không cho mình biết tên thật trong giấy tờ. Mà thật ra mình cũng không cần biết quá nhiều như vậy! Gặp dịp thì chơi, hợp thì vui vẻ với nhau, không thì thôi chứ cần gì biết về nhau nhiều vậy để rồi khó mà nói ra câu chia tay, phải không?! Nhưng cái gì không rõ chứ sự quan tâm của chị với mình với tư cách người đi trước, người chị, người cảnh giới… thì vô cùng đáng quý. Chị là người dẫn mình đi chợ, đi siêu thị, đi ra ga tàu…nói chung là dạy mình bài học nhập môn làm sao để sinh tồn ở Cabra. Bữa ăn đầu tiên cũng là chị nấu cho ăn. Người vô cùng khó tánh trong việc chia sẻ đồ ăn như mình cũng phải thừa nhận đó là thứ quý giá nhất mà đứa xa xứ nhiều năm đến nghiện như mình lần đầu nếm trải. Câu chuyện cuộc đời của chị theo lời chị kể rất buồn, nhưng mình đoán, cái cách chị kể lể với bất kỳ ai ‘có dấu hiệu’ quan tâm đến chuyện riêng tư của chị, cái cách chị public nỗi cô đơn của chị, khiến cho nỗi đau nào đó, dẫu vẫn còn tồn tại, nhưng chắc chắn đã phai nhạt đi ít nhiều.

chiMaivaem

Người đứng giữa là c Mai, những người còn lại không liên quan lắm =D

Quan niệm sống của chị, đôi khi nghe rất cực đoan, lẽ dĩ nhiên là do hun đúc từ những gì chị trải qua trong những năm tháng ở Việt Nam sống cực khổ và cả khi được ba chị bảo lãnh sang Úc cũng chẳng khá khẩm hơn. Xứ sở mà người ta không hoan nghênh người nhập cư thì những người có thể tồn tại và thậm chí thành công nơi đây là những người có ý chí cực kỳ kiên định. Tất nhiên, không thể bỏ qua yếu tố gia đình hỗ trợ, nhưng quan trọng hơn hết vẫn là tự bản thân những đứa trẻ đã thấy rõ được sự phân biệt đối xử mà đạp lên hết tất cả để khiến xã hội này phải thừa nhận ánh sáng của họ. Nhưng đáng buồn là được bao nhiêu đứa trẻ như vậy trong hàng ngàn đứa được sanh ra ở đây hoặc được mang từ ‘bển’ sang. Người ta cứ bứng cây bứng cả rễ như thế, làm sao còn đường lui để quay về!!! Chị Mai hay Victoria em chị là những ví dụ điển hình như thế. Victoria không hiểu được tiếng Việt hay người Việt, còn chị Mai thì không hiểu được xã hội Úc này (hoặc có thể hiểu mà không thể làm gì khác hơn). Không học hành, không lý tưởng, đứa trẻ mất gốc từ Việt Nam sang năm 16 tuổi đã đi làm công việc tay chân trả nợ cho người đỡ đầu nó sang. Làm suốt 10 năm, 20 năm cuối cùng không những trả xong nợ còn mua được nhà, mua được xe, nói sao mà nó không ham cái công việc tay chân ấy. Nhưng có lẽ dối trá lọc lừa và không có ai định hướng cho nên tư tưởng chị ấy bị phong bế luôn trong cái công việc đó. Để rồi sau này, khi bị tai nạn, khi không còn khả năng lao động, chồng thì bỏ đi, việc cũng không còn và chị ấy cũng không biết mình còn làm được gì ở cái tuổi 43. Rõ là vẫn còn trẻ, nhưng trong tâm trí đã không còn có thể nảy mầm những gì tốt đẹp hơn. May mắn là chị nói rất nhiều, chị quan tâm rất nhiều nên những người được chị quan tâm, những suy nghĩ tích cực lại quay về bên chị vì chị đã từng không chấp nhất gì mà cho đi những gì chị có. Hay đi chùa, tin Phật, hay làm việc thiện, chị ấy rõ là vẫn sống vui vẻ trong ‘khuôn khổ có thể chấp nhận được’. Nói về chị Mai, mình còn có thể gõ tiếp 500 dòng nhưng mình thiết nghĩ, những cảm nhận ngay tại lúc này có khi lại mang tính phiến diện về chị, nên mình dành 500 dòng ấy cho mình. Một ngày đẹp trời trong tương lai khi mình đi Mel gặp chị mình sẽ tự mình kiểm nghiệm xem có đúng không ;D À quên nói, dấu hiệu thứ hai- người dẫn đường thứ ba chính là chị Mai. Chị ấy sau 1 tháng rưỡi giúp mình, đã quay về Mel sống với gia đình. Hẹn chị một ngày không xa em sẽ có dịp đền đáp ơn nghĩa của chị những ngày tháng 4 ở Cabra năm 2017 như một đứa em trong gia đình. Nhớ chị nhiều.

Không thể chờ được để nói về dấu hiệu thứ ba nên mình viết ngay trong buổi sáng đẹp trời ngày chủ nhật này. Người dẫn đường thứ tư của mình chính là công việc đầu tiên mình kiếm được ở Syd. Tựu trung lại vũ trụ chỉ làm mỗi một việc là đưa đường dẫn lối cho mình đến với cái mà mình ngày nhớ đêm mong thôi, còn lại là tùy ở bản thân mình. Vì sao mình nói thế á? Mình vẫn còn nhớ rất rõ cảm giác vui sướng khi được nhận vào làm sau 1 ngày vất vả, cả cái cảm giác khi cầm đồng lương đầu tiên trên tay kiếm được bằng lao động chân tay 100% nhưng cũng nhớ rõ rành rạnh từng giây phút mệt mỏi và tủi nhụt khi lê bước đi làm mỗi cuối tuần. Dù có tự AQ bản thân cỡ nào, mình biết rõ mình không hợp làm những công việc đòi hỏi khéo léo và sức lực như thế. Nên để tránh cho bản thân trở nên ghét những người rõ là đang tạo cơ hội cho mình, rõ là đang trả tiền cho sức lao động của mình, rõ hơn nữa là đang dạy mình đối mặt với sự thật mà mình phải chấp nhận là mình muốn sinh tồn ở xã hội kỳ thị người nhập cư này mình phải kiếm tiền bằng sức lực từ khi bú mẹ đến giờ, mình phải từ bỏ. Đồng ý với bản thân là tao sai rồi, tao không nên ép mày phải thay đổi 180 độ như thế, tao xin lỗi mày, cái tôi của tao ạ! Ông bà chủ là người tốt, nhưng những bài học mình học được từ công việc phụ bếp này quá nhiều đến nỗi bản thân mình bị sốc và bị buộc phải thừa nhận là mình chả biết làm cái gì trong 26 năm nay nên bây giờ phải học lại từ đầu. Về lâu về dài, thật sự mình sẽ bị cảm giác tự ti ấy đeo bám nếu cứ chịu đựng hạ thấp bản thân như thế mãi. Tự ti vì làm mãi mà không đúng yêu cầu, buồn bã vì cả ngày hiếm khi nói câu nào, mệt mỏi rã rời vì cơ bị hoạt động quá mức và sẽ cảm thấy tồi tệ hơn nữa nếu vì thế mà bài vở bị chậm hay tệ hơn nữa là bỏ học để đi làm. Lâu lâu ngồi tàu đi học về mình vẫn thảng thốt khi nghe đến cái tên trạm dừng phải xuống để đổi tàu đi làm những ngày tháng 5. Những ký ức buồn chắc sẽ nhanh tan, nhưng những cảm giác đã khắc sâu vào tâm hồn mình, như một thói quen nhắc nhở mình rằng Trâm Hoa Trương cũng từng có những ngày như thế. Nhờ công việc này mà mình cảm thấy yêu quý hơn cái hiện tại không phải làm quần quật như bây giờ. Ngồi thảnh thơi bên tách trà hay vài viên kẹo trong cái nắng chan hòa ngày đông sang này khiến mình hoảng hốt vì tưởng rằng sẽ khó có được nữa. Ít nhất là bây giờ còn tiền để xài, còn người để mong (2 còn 12 ngày nữa là sang với mình rồi), còn bài để làm( homework lâu lâu cũng đáng yêu), mình cũng chẳng biết mình đã hạnh phúc đến như vậy nếu không có việc làm từ trên báo rơi xuống này. Đến cũng là duyên mà đi âu cũng là duyên đã cạn. Xin cám ơn ông bà chủ tiệm Charcoal Chicken vùng Doonside và xin tạm biệt!

À xin lỗi, chả có tấm hình nào để minh họa cho phần này vì trong tháng cực khổ này mình mệt tới nỗi tay còn nhấc không lên thì làm sao có hứng chụp choẹt gì =))

Xin nói thêm 1 tí về chuyện bỏ cuộc lần này, ngược lại, mình cảm thấy nhẹ nhõm nhiều hơn là tự trách. Mình hiểu rõ bản thân mình khác chị 2. Nếu chị ấy có thể dùng học bổng chính phủ làm bình phong để đi làm kiếm tiền. Nếu chị ấy có thể bỏ qua nhiều thứ mà mình xem là quan trọng để chọn đồng tiền. Thì mình ngược lại, mục tiêu của mình không phải là định cư càng không phải là tiền khi mình đến Úc, nói ra sợ mọi người không tin, mình quả thật đến để học. Rõ ràng rành rạnh trong Visa type là Student rồi, nhưng cứ phải nhắc lại để Nhật ý hiểu là trong thâm tâm mình, học để tiến lên không chỉ là mục đích mà còn là niềm yêu thích. Vì mình phát hiện ra mình chẳng làm gì giỏi bằng học cả. Ngày xưa làm tư vấn luật, cũng là tự học mà thành tài. Xưa hơn nữa là học cấp 3, cũng là ý chí khủng khiếp phải học hết những thứ yêu thích nên mới đứng đầu lớp 2/3 năm và đạt vô số giải thưởng hay ánh mắt ngưỡng mộ vì học đều chứ không phải kiểu học lệch như mấy đứa lớp chuyên. Nguyên nhân cơ bản nhất là mình học vì mình thích- không có áp lực sẽ không có thành công- thực tế là mình đã thử thách bản thân mình xem có thể đi bao xa. Và bằng cách nào đó, vũ trụ quả thật đã trả lời mình rằng mình có thể đi rất xa nếu mình thích. Sự thật là mình đã đi rất xa nơi mình xuất phát, chứng tỏ những mong muốn cháy bỏng của mình cả thiên địa đều biết. Ngày đó khi đang học cấp ba, nghe đứa này đứa nọ đi du học chỉ có thể ngưỡng mộ, đành phải giấu diếm ước mơ du học thật sâu trong ngăn kéo vì biết cả bản thân và gia đình đều chưa sẵn sàng. Khi học đại học, đã bỏ qua rất nhiều rào cản để có thể mạnh dạn đến một vùng đất xa lạ và bứt phá- đây là bước đầu tiên vũ trụ để ý tới mình. Ra trường cũng lại dấn thân ở một vùng đất xa lạ không kém để tìm kiếm cơ hội xuất ngoại- đây là bước chuẩn bị thứ hai mình báo cho vũ trụ biết. Và rồi sau ba năm nếm mật nằm gai, cuối cùng cũng dám phá kén ra đi để thực hiện ước mơ- cũng là khi mình đã sẵn sàng cầm vé vũ trụ đưa cho để bay đến xứ Oz. Bị chửi là điên rồ, bị mắng là trẻ con, bị nói khấy sau lưng là trẻ trâu, nhưng có làm sao?! Dù mình xuất phát chậm, nhưng những bước đi của mình là chắc chắn. Dù mình biết đã để cho những người ở nhà nhiều lo lắng, nhưng hứa hẹn ngày trở về mình sẽ làm họ tự hào. Ít nhất mình đã sống như những người nuôi dạy mình mong muốn 26 năm nay, từ đây mình sẽ sống cho mình. 😀 Cảm thấy thật phấn khích, mặc dù cũng nhiều dự cảm bất an, nhưng đi là để trở về, mình nhất định sẽ sống hạnh phúc với lý tưởng của mình và khi đã cảm thấy đủ, mình chắc chắn sẽ trở về và khởi động một hành trình mới.

DSC04092

Xuất hành đầu năm 2017 ở quê, chị 2 cầm lái chở mình và Kaka

Vì cuộc sống là những chuyến đi!!!!!

Cabra, 18 tháng 06 năm 2017

Căn phòng trọ bình yên.

[Du lịch] Một ngày la cà các địa điểm nổi tiếng ở Sydney

Phải nói là mình nên thêm vào cái tiêu đề là “Một ngày la cà các địa điểm không thu vé vào cổng nổi tiếng ở Sydney” cho đúng với cái chất của dân du lịch bụi chỉ ưu tiên đến các địa điểm free trong hành trình. Để tiện hình dung, mình chọn phương tiện đi bằng xe lửa và “căng hải”, xuất phát từ Plaform 1 của nhà Ga Cabramatta và mất 1 tiếng hơn để đến được nhà Ga St James ở trung tâm Sydney bằng  1 chuyến tàu T2 duy nhất không chuyển tiếp. Vị chi mỗi chuyến đi hoặc về tốn 3.43$, quá rẻ so với đi Uber, chỉ có điều là tập thể dục hơi vất vì đi bộ hơn 40 phút cả chặng đường 5km vừa đi vừa về. Không sao, đi bộ giữa trời thiên nhiên mát mẻ, khí hậu trong lành và cảnh vật siêu đẹp thì bao nhiêu mệt mỏi cũng bay biến đi mất.

Trong Must-see list của mình hoạch ra đêm trước có 6 chỗ cần đến trong ngày và thời gian túc tắc không hạn định là: Archibald Fountain trong công viên Hyde Park, Nhà thờ St. Mary Cathedral nổi tiếng, Bảo tàng Nghệ thuật vùng New South Wales hay có tên tiếng Anh là Art Gallery of New South Wales, Công viên Royal Botanic Gardens, Ghế của Bà Macquarie hay còn gọi là “Mrs Macquarie’s chair” và điểm ai ai cũng biết khi đến Sydney- nhà hát con sò “Sydney Opera House”. Quan trọng đây không chỉ là những nơi khách du lịch hay ghé mà còn là điểm vui chơi công cộng của dân bản xứ nên tính cộng đồng ở khu này rất cao. Mọi người đến đây tận hưởng không khí, giao lưu trò chuyện, tập thể dục, ngắm thiên nhiên, dẫn thú đi dạo hoặc đơn giản là…đến ngủ trên những thảm cỏ tuyệt vời của Royal Botanic Gardens.

#1 Archibald Fountain

Ấn tượng của mình về cái đài phun nước này là nó manly dễ sợ. Biểu tượng của chỗ này là 1 anh hình thể hoàn mỹ khỏa thân (tất nhiên vì ảnh là thần Apollo- vị thần cưỡi cổ xe thần mặt trời đi 1 vòng trái đất là 12h ban ngày mà), anh đấy đang làm gì đấy mà nước phun tung tóe xuống hồ nước bên dưới, tay ảnh thì chỉ ngay nhà thờ Thánh Mary ở phía sau. Cả khung cảnh cực kỳ hòa hợp, như thể có ẩn ý gì đó mà chỉ có kiến trúc sư và các ông đặt hàng làm ngày xưa mới biết. Đài phun nước này nghe bảo được xây dựng xong năm 1926 ở Paris nhưng đến năm 1932 mới trưng bày ở Sydney (Wikipedia1). Có điều gần đây khách du lịch nhiều như lá mùa thu. Bà con thì xí xô xí xào chụp hình bên dưới anh ấy =)) Kể ra mình chỉ thấy mấy bà China sồn sồn bu quanh chụp hình chứ không còn ai làm vậy =))

Archibald fountain

Ảnh hơi tối do con chụp ảnh bị ngược sáng mà không biết sửa nên mạnh tay chơi màu luôn, kệ nó đi!

Xung quanh đài phun nước là chỗ ngồi cho các cặp tình nhân, các gia đình nhỏ dẫn con ra chơi công viên, trai gái China du lịch chụp choẹt, bọn trẻ con bản xứ chơi ván trượt và hàng loạt các đội-nhóm của các trường học lôi kéo người ta tham gia các Quizz và phỏng vấn linh tinh. Quên mất, còn có nghệ sĩ đường phố đàn hát bể phổi làm cho không khí thêm phần sôi động nhưng ngũ âm thì kém quá, hát chẳng hay gì, xa xa có bác già bày trò thổi bong bóng từ xa phòng cho bọn trẻ con và người lớn-giả-làm-trẻ-con hò reo chạy theo, ngoài ra còn có các xe bán kem nhìn ngon mê tơi nhưng (chắc chắn) là rất béo và quá đắc cho túi tiền sinh viên của mềnh nên mình cũng cạch.

Note lại: cũng chả khá gì hơn công viên Lê Văn Tám ở Sài Gòn. Nếu có người yêu sẽ không rủ ra đây, chim chóc nhiều quá, nói chuyện chẳng nghe thấy gì.

#2 Nhà thờ St. Mary Cathedral

Theo hướng tay chỉ của thần Apollo, chúng ta đi thăm Nhà thờ Thánh Mary. Đầu tiên phải nói là tuy không có ý định so sánh, nhưng do đã từng được may mắn ghé thăm Cathedral Basilica of St. John the Apostle and Evangelist ở Lima, Peru nên đến với Nhà thờ St. Mary Cathedral chỉ thấy toàn hình ảnh của nhà thờ trước. Đấy là một điều bất công cho nhà thờ St. Mary Cathedral dù em này cũng đẹp, cũng có những bức tranh bằng kính màu đặc trưng của nhà thờ loại này, cũng trang nghiêm với những dải ghế gỗ sồi và những bức tượng đẹp như tạc (à tất nhiên là tạc ra- xin lỗi!) nhưng độ xa hoa và lịch sử gầy dựng nên nó thua xa em Basilica. Một Basilica- nhân chứng lịch sử với hầm mộ của những nạn nhân trong cuộc chiến tranh với Chile và những dụng cụ bằng xương người đủ làm chết khiếp những trái tim yếu bóng vía nhất. Tuy nhiên, mỗi nơi có một câu chuyện nên chúng ta sẽ không lạm bàn ở đây. Chuyên tâm xem hình thôi nhé. À có một điểm chắc chắn Basilica không bằng em này đó là độ sạch sẽ của nơi này. Dù vẫn có đông người xem lễ nhưng 1 là không đóng bụi tầng tầng lớp lớp, 2 là không nuôi chim chóc trên nóc nhà nhiều như rơm rạ và 3 là không có cho buôn bán trong khu vực nhà thờ. Ở Lima không phải ‘khen’ chứ, nhìn ngoài vậy thôi chứ thật sự xáp lại gần thấy dơ khủng khiếp. Một phần có thể đổ cho quanh năm không có mưa, bụi mù mịt nhưng phần quan trọng hơn là nuôi chim khiến cho thành phố bẩn vô cùng và Lima cũng không đủ người dọn dẹp khắp hang cùng ngõ hẻm như Sài Gòn hay Sydney. (Wikipedia2 về em này).

DSC04437

Bonus cho fan 1 ảnh trong nhà thờ đỡ buồn!

Note lại: đi một lần cho biết, chắc sẽ không quay trở lại. Trừ khi được người ấy rủ ra chụp ảnh cưới như cặp Hàn Quốc mình thấy hôm nay, nhưng đó là với điều kiện phải có người đấy trên thực tế đã =))

#3 Bảo tàng “Art Gallery of New South Wales”

Trong suốt cả hành trình mình mong chờ nơi này nhất. Lý do thì phàm tục, nói ra ngại lắm, ai inbox mình thì mình trả lời 😀

Art Gallery of New South Wales

Đến với Bảo tàng với hàng ngàn tác phẩm đương đại, cận đại… được trưng bày ở đây, mình quả thật bị choáng ngợp.  Bảo tàng thì tất nhiên nhiều nhất là tranh và tượng. Hàng hà sa số muốn coi thể loại nào có thể loại đó (à không, không có manga đâu các đồng môn ạ). Từ ảnh chụp đến tranh vẽ, từ tượng điêu khắc đến nghệ thuật sắp xếp trưng bày vật thể, tác giả cũng đa dạng từ dân Anglosacxong đến thổ dân… Nói chung tóm gọn bằng hai chữ thôi “đã mắt”, đã từ số lượng tới chất lượng dù mình là một con mù nghệ thuật chính hiệu và các môn vẽ tranh với thủ công hồi còn cắp sách đến trường toàn được phụ huynh chiếu cố làm giúp. (Wikipedia3 về em này).

Trong bảo tàng còn có phòng lab có người thật (và cả phòng không người) nói ra rả về các tác giả và tác phẩm gì gì đấy, có khu sáng tạo cho trẻ em, khu café phục vụ đồ ăn nhẹ và khu toa let khá rộng và sạch (lý do phàm tục là đây). Thử nghĩ coi trong suốt hành trình trèo đèo lội đá tới lui các địa điểm vui chơi, ăn uống tùy thời mọi lúc mọi nơi, nếu có bất cứ chỗ nào cho “xả ra” free thì bạn phải cố mà tận dụng ngay chứ, quá đúng phải không 😉

DSC04472

Nghệ thuật sắp đặt mình thích nhất. Theo như chú thích trên tường thì cô nghệ sĩ muốn truyền tải thông điệp về sự du nhập thực phẩm vào văn hóa xứ Oz.

Note lại: đi 2 tiếng mà chưa coi hết nữa, lần sau có thời gian chắc chắn sẽ quay lại chỗ này. Rất nhiều cái được khi ở đây: được giữ túi (cho khỏi mỏi)- Được ăn uống (nạp lại năng lượng)- được xem tranh đã mắt (mấy cái ảnh mình post đây đẹp phết)- được abcxyz sau khi đi rã chân du ngoạn.

#4, 5, 6  Công viên Royal Botanic Gardens- Mrs Macquarie’s chair-  Sydney Opera House

Công viên Royal Botanic Gardens là chỗ tuyệt vời cực kỳ. (Wikipedia4). Như một lá phổi xanh của thành phố, thậm chí còn lăm le đe dọa soán ngôi Công viên trung tâm Hyde Park vì mật độ phủ xanh và độ thu hút du khách bởi các điểm tham quan mang tính lịch sử đã vượt qua Hyde Park. Công viên Royal Botanic Gardens nằm bên kia Bảo tàng nghệ thuật vùng New South Wales cách nhau con đường Art Gallery rd, chiếm vị trí độc nhất vô nhị ở Sydney bên bờ cảng và trải đôi chân dài miên man của mình ra xa tít tấp tận mỏm đá “Mrs Macquarie’s chair” huyền thoại. Trong đây có cơ man nào là cây to cổ thụ, mình đến ngay mùa thu, lá vàng phủ một lớp mỏng trên bờ mặt cỏ. Tự nhiên có cảm giác ai đi ngang qua cũng bừng sáng và chân đạp lên lớp lá vàng cứ nhẹ nhàng sợ đánh thức cả trời thu. Trong đầu tự dưng vang lên câu thơ nổi tiếng trong bài Tiếng thu của Lưu Trọng Lư:

 “Em không nghe rừng thu

Lá thu kêu xào xạt

Con nai vàng ngơ ngác

Đạp trên lá vàng khô?”

Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên version me

Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên version me

À xin lỗi vì đi miên man, quay lại vấn đề chính. Công viên có ba cách đi vào và đi ra. Có thể đi xe đạp, ô tô, xe máy vào, chạy tít vào đỗ xe dọc trên lối đi hoặc đỗ ngoài bãi gửi xe của công viên. Ai đỗ xe dọc lối đi theo máy auto Parking thì coi chừng máy đểu. Mình thấy thiên hạ đỗ xong tới khi ra lấy cái máy Parking nó chết máy nuốt thẻ chửi um cả lên. Có thể đi ca nô dọc bờ đá từ bãi đỗ ca nô chạy qua cảng Harbor tới nhà hát con sò. Đi cái này cũng khá kích thích, mình thấy mấy anh lái ca nô có tính nghệ sĩ lắm, lái xe mà tưởng đang vẽ tranh, thấy có nhiều nét ‘chấm phá’ đẹp phết. Có điều người ngồi trên ca nô hình như không thấy đẹp mấy, thấy toàn la với hét =))) Và cách cuối cùng là như mình và đa số dân bản xứ- đi bộ vào. Có 1.3 km thôi hà, người người đi bộ, chó khỉ pet cũng đi bộ và mình cũng không ngoại lệ. Vui phết 😀 Có những cái chỉ đi bộ mới có nè. Dọc đường đi mà mỏi chân thì có ngay bãi cỏ để ngã lưng và nằm ngắm mây trời. Chụp hình thì tha hồ có góc ảnh đẹp và phục kích trai đẹp chụp mà không sợ bị nhòe, bị run, bị rớt máy nếu đi trên xe hay đi ca nô (ahihi). Quên nói là chỉ có đi bộ mới đi ngang qua cái cruise làm nhà hàng neo kế đường dọc biển, có hồ bơi trên mui, có (nhiều) anh Tây 6 múi lượn tới lượn lui coi không mất tiền. Ngoài ra, cái không khí trong lành của nước biển, các mùi của vỏ cây và rừng cây, cái tinh thần thể dục bất diệt của những người đồng hành (có mấy đứa con nít 4,5 tuổi chơi ván trượt tốc độ so cute nữa) làm mình thấy con đường trekking này cũng quá là mãn nhãn dù không tốn 1 đồng nào.

Đường mòn ven biển Mrs Macquarie rd

Và phía cuối con đường là mỏm đá “Mrs Macquarie’s chair” (hay còn gọi là Lady Macquarie’s Chair )- tương truyền là nơi mà Phu nhân của ngài thị trưởng Bang New South Wales ừ 1810-1821 Major-General Lachlan Macquarie, Governor of New South Wales hay ra ngồi ngắm tàu gần cảng Darling đâu đó khoảng năm 1813-1818, nó là cặp với cái đường mang tên bà luôn- đường Mrs Macquarie rd. Nói vậy là đủ biết ở cái đẳng cấp nào người ta sẽ tặng quà theo đẳng cấp đó rồi he. Sau này có bồ, muốn bồ tặng cho cái nhà cái xe nhớ lấy ông thị trưởng này ra mà tị nạnh nhé.

800px-Mrs_Macquarie's_Chair_2013

Phải lấy hình sưu tập trên Wiki vì hình mình chụp dính các bạn China quá nhiều: https://en.wikipedia.org/wiki/Mrs_Macquarie%27s_Chair#/media/File:Mrs_Macquarie%27s_Chair_2013.jpg

Đứng trên cái mỏm đá Macquarie sẽ dễ dàng thu được toàn cảnh nhà hát con sò và cầu Sydney Harbour Bdrige thành một thể thống nhất. Thông tin về nhà hát con sò thì các bạn google đi he, mình chỉ biết nhà hát được khánh thành năm 1973 do một người Đan Mạch thiết kế và được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 2007. (Wikipedia5).

Sydney Opera House and Sydney Harbour Bdrige from Royal Botanic Gardens view

Sydney Opera House and Sydney Harbour Bridge from Royal Botanic Gardens view

Biểu tượng của Sydney- nhà hát con sò là địa điểm cuối cùng trong danh sách cũng là địa điểm must-see nhất khi đến thăm Sydney. Tuy nhiên, mọi hình ảnh chỉ mang tính minh họa khi thiên nhiên đang bị một thứ xâm lấn và hủy hoại từng ngày. Thứ phá hoại đấy còn gọi với cái tên mỹ miều là “con người”. Thậm chí may mà nhìn xa, chứ nếu zoom lại gần quả thật tưởng mấy miếng vỏ sò bị ‘nổi mề đay’ màu đen chấm bi. Người thôi là người, người đâu mà nhiều quá thể!!! Mà nhiều nhất chính xác là dân China, xe du lịch thả xuống đơn vị tính bằng chục người, chụp choẹt đủ mọi vị trí, đủ mọi loại công nghệ bất chấp sự khó chịu của người xung quanh. Kể cả khi mình đã yên vị với chỗ của mình trên bãi cỏ mà bị các vị vo ve làm phiền mãi cũng đành cuốn gói ra đi, vì em sợ nhắm cái mặt em xuất hiện đâu đó trong các bức ảnh, sẽ làm các mợ nhức mắt và nhức nách!!!!

Sydney Opera House

Tặng kèm: Sydney Opera House in closer view

Note lại: lần sau đi chỗ này nữa phải thử đi cái cano dạo 1 vòng vịnh Darling Harbour, leo thử cái tour “Bdrigeclimb tour” nghe đồn rất kích thích rất phê và mua cái vé nghe thử thứ âm nhạc hạng sang trọng nhà hát con sò (mặc dù rất có khả năng sẽ ngủ bất chấp =))) Và quan trọng là lần sau phải ráng kiếm thêm người đi chung để share tiền mua mấy cái vé mắc như qủy đó =))

Như vậy là mình đã hoàn thành thử thách tự đặt ra- du lịch bụi không có tourguide đi 1 vòng 6 địa diểm must-see của Sydney. Lần sau sẽ đi thử các địa điểm free hoăc có tính chút phí là Luna Park, Bãi biển Bondi, Blue mountains, Sea Life Sydney Aquarium… và sẽ có bài chia sẻ chi tiết sau he.

Đoạn đường về khá gian nan là phải đổi tàu, giá thì vẫn vậy nhưng hành trình hơi khác đường đi, hơi sợ hãi một tí khi đang đi mà toa tàu trống hoác. Các bác lùa xuống như lùa vịt rồi lại cho lên, xong cái tàu nó còn chạy-ngược (thật sự là chạy theo kiểu giật lùi các mẹ ạ). Ôi quả là hãi! 😦 Bây giờ thì đã dần quen với đi train và bus kiểu Úc rồi, trừ việc mất vài đồng oan do quên tap off và lơ đãng cá vàng làm lỡ vài trạm phải đi vòng lại rồi thì cảm thấy khả năng sinh tồn của bản thân cũng không tệ hehe.

Keep fighting for a brighther tomorrow lah!!!!!

Cabra, Phòng ngủ số 1, ngày 23 tháng 4 năm 2017

 * Chú thích:

Wikipedia1: https://en.wikipedia.org/wiki/Archibald_Fountain

Wikipedia2:https://en.wikipedia.org/wiki/St_Mary%27s_Cathedral,_Sydney

Wikipedia3:https://en.wikipedia.org/wiki/Art_Gallery_of_New_South_Wales

Wikipedia4:https://en.wikipedia.org/wiki/Royal_Botanic_Garden,_Sydney

Wikipedia5:https://en.wikipedia.org/wiki/Sydney_Opera_House