HƯỚNG DẪN LẬP KẾ HOẠCH TỪ CHỨC (tt)

Phần 1- Điều kiện cần và đủ để từ chức

Tất nhiên là nếu bạn làm trong một môi trường công sở tự do, không ràng buộc, số năm gắn bó không nhiều và số người quen biết đếm trên đầu ngón tay thì bạn không cần xem từ dòng này trở xuống nữa vì có thể bạn đang lãng phí hơn 10 phút cuộc đời đấy. Những điều kiện cần và đủ này sẽ là quá khó khăn và không cần thiết với bạn. Nếu muốn nộp đơn nghỉ việc thì nhanh lên đi, cứ theo Luật mà làm, Hợp đồng xác định thời hạn có bao nhiêu ngày để báo trước trong Luật có quy định đầy đủ, dễ hiểu rồi. Mạnh dạn nộp đơn, xin sếp thư giới thiệu (loại theo mẫu) và ra đi trong hiên ngang là những thứ bạn có thể làm liền- ngay- luôn và lập tức, không phải để ý quá nhiều đâu. Còn những bạn nào không nằm trong trường hợp trên mà lại (xui xẻo) giống mình, tức là hội tụ ít nhất hai cái  trong 4 cái gạch đầu dòng dưới đây:

  • Làm trong một công ty có môi trường công sở đặc thù, không tự do và có rất nhiều thủ tục cần làm trước khi nghỉ việc (môi trường Quân đội mà lị).
  • Số năm làm việc tương đối khá nhiều (> 2 năm).
  • Số người quen biết nhiều, công việc có sức ảnh hưởng tới nhiều người (> 3 người).
  • Cần nhiều hơn 01 lá thư giới thiệu của công ty.

thì bạn có thể cân nhắc hoàn thành các điều kiện cần và đủ của mình liệt kê sau đây trước khi xem hướng dẫn tiếp theo.

Điều kiện thứ 1: Tìm được người kế nhiệm để bàn giao công việc.

Không phải mê tín chứ yếu tố Người kế nhiệm là một vấn đề khác đau đầu đối với nhân viên dở hơi mắc bệnh “có trước có sau” như mình và các bạn đồng mưu khác. Người không có khả năng mình không dám giao đứa con tinh thần 02 năm tuổi của mình cho. Người yếu đuối quá mình sợ không sống được nơi “hùm beo cộng lạc” này quá một con trăng. Người của Tập đoàn cử qua mình sợ “treo đầu dê bán thịt chó”. Người của Tổng công ty là thích hợp nhất, nhưng ai người ta có sẵn lúc này muốn sang thế mình bây giờ? Mình cần một người có chút quen biết, có tâm huyết, có khả năng để giao lại Phòng cho họ. Rồi cái may mắn như đang đi ngoài đường mà Vietlot rớt trúng đầu vậy, mình quả thật đã tìm được người như thế chỉ vỏn vẹn 3 tháng trước khi mình nghỉ. OMG! Thế là tất nhiên phải tìm cách thuyết phục họ sang thay mình, phải trước lôi kéo sau dụ dỗ, ngọt nhạt mãi, cam kết mãi mới vời được “thần” sang. Rồi bao nhiêu giấy tờ nội bộ để rước người cũng khoai không kém cần phải chuẩn bị giải trình với Tổng công ty và Tập đoàn cũng một tay mình làm tất. Bao nhiêu là nhiêu khê đấy, không đùa được đâu!

Nhưng rồi cuối cùng sau bao ngày trễ hẹn, người mình ngày nhớ đêm mong cũng sang đến nơi. Nếu như những người khác vào thời điểm khác sang mình đã không sốt sắng như thế cho dù là người của Tập đoàn hay Tổng công ty. Đúng là vô sự hiến ân cần (xấu hổ quá!). Từ đưa đón, chú ý ăn ở, nơi chốn đi lại, an toàn các kiểu của người ta cho đến việc nào bàn giao cũng chi tiết đến từng bước nhỏ nhặt nhất bao gồm toàn bộ hồ sơ của vụ việc, đầu mối phòng ban phối hợp, kể cả khuất tất và hint trong đó mình đều truyền lại không sót thứ gì. Hận chỉ sợ bỏ sót thứ gì làm người ta phải tìm hiểu lại từ đầu…blab la bla… Nói chung là mình cúc cung tận tụy hết cả tháng, đến khi rời đi có thể đảm bảo 50% người ta có thể làm được việc mình để lại, 50% còn lại là tùy vào độ nhạy bén và nhân sinh quan cũng như thế giới quan của họ, bao gồm cả nhân duyên họ có được từ cách đối mặt với các đồng nghiệp khác sẽ quyết định họ sẽ mất bao lâu để hòa nhập và đi được bao xa. Cái này rõ là nằm ngoài kiểm soát của mình và mình cũng không có khả năng giúp họ được nên mình không dám vọng ngôn nói càn.

Không phải ngẫu nhiên mà mình xem việc tìm ra người kế nhiệm là quan trọng nhất trong tất cả các điều kiện để từ chức. Đây là dấu hiệu của một người ái kỷ sâu sắc muốn chứng minh với cả thế giới là hắn ta không hề vô trách nhiệm với nơi hắn từng thuộc về. Ngẫm lại hóa ra công ty cũ lại có nhiều ý nghĩa với mình hơn một cái nơi-chốn-làm-việc như nó vốn phải thế.

Như trong bài blog trước đây mình từng đề cập rằng:

“Kiểu như bọn nó đang làm công việc cảm hóa tôi, mang tôi ra khỏi đống cảm xúc bùng nhùng và nhắc nhở tôi về 1 tương lai sẽ chẳng có gì có thể mang đến cho tôi bình yên, trừ công việc”.

(Read more: Should i give up or keep chasing pavement?)

Mình phải công nhận mình là người cuồng công việc, một ngày của mình bắt đầu lúc 8h sáng và kết thúc lúc 7h tối, ăn hai bữa ở công ty. Có đôi khi sẽ phải tăng ca đến 11, 12h là chuyện bình thường. Điều đáng sợ hơn là không phải mình mình như vậy. Cả guồng máy tầng tầng lớp lớp người Việt điều hành lẫn nhau, nhìn nhau mà làm việc. Cho nên sau 7h tối vẫn nhận email, điện thoại công việc đối với đồng nghiệp ở công ty khác là kỳ lạ, với người Campuchia bản xứ là bóc lột thì với những người Việt ở thị trường như bọn mình là chuyện cơm bữa. Đã từng có chỉ thị của sếp Tổng Tập đoàn bắt buộc bọn mình không được tắt chuông điện thoại sau giờ làm việc, khi đi nghỉ mát và cả khi đang bị ốm nằm viện. Tất cả nhân viên từ cấp cao nhất đến thấp nhất đều như thế, kể cả khi ứng dụng báo cuộc gọi nhỡ được cài đặt bắt buộc cho tất cả thuê bao nhân viên đảm bảo không aiđược lấy cớ không nhận cuộc gọi mà không call back thì mọi người cũng xem đó là chuyện tất nhiên. Thế nên có cả một thời gian dài mình bị ám ảnh tiếng chuông điện thoại và cả tiếng rung của âm báo trong im lặng. Đi ngủ mình cũng còn có cảm giác nghe văng vẳng tiếng chuông reo, lâu lâu cứ nhìn chằm chằm điện thoại, riết rồi sóng não chạy còn nhanh hơn sóng di động, trước khi điện thoại reo đã cầm sẵn máy như biết trước sẽ có cuộc gọi vậy.

Môi trường tôn sùng công việc như thế vô hình chung đã khiến mình có chút ích kỷ và yêu cầu tương đối cao với người thay thế. Bảo mình dâng công sức phấn đấu hai năm ròng rã cho người lạ mình có chút tí ấm ách trong lòng, vậy nên tự dưng cũng có những tiêu chuẩn của riêng mình, đâu đó vẫn hy vọng mắt nhìn người của mình chuẩn 8-9 phần kẻo không lại dẫn sói vào nhà. Nhưng nhiều hơn hết là nỗi áy náy trong lòng với người thay thế vì ‘vương triều’ một tay mình dựng lên còn khá non trẻ, sơ sài, đòi hỏi người mới phải có năng lực thích nghi cực mạnh mới mong duy trì được nền nếp của nó. Hơn ai hết, mình hiểu nỗi khổ của người không biết gì tự dưng lại bị khoác một chiếc áo quá khổ bắt buộc phải gồng gánh tất cả mọi việc là như thế nào. Vì cũng đã từng trải qua nên tự dưng là càng nhiều luyến tiếc và đồng cảm. Mình mong người kế nhiệm có thể hiểu được khổ tâm của mình và mặc kệ mục đích của họ khi tiếp nhận công việc này có giống mình không, mình mong “vương triều” mình để lại sẽ được họ nâng niu trân trọng và phát triển tốt hơn.

Nên nhớ cho rằng đừng vội phán xét người khác bởi vì mọi sự so sánh chỉ là khập khiễng nếu hai đại lượng không cùng tất cả mọi yếu tố cấu thành. Mình hy vọng những người ở lại sẽ khoan dung hơn với người mới và chấp nhận sự thật là mình đã ra đi, từ đó họ sẽ cho người mới cơ hội khẳng định bản thân. Mình tin rằng thay đổi luôn luôn đem lại điều tốt hơn, chấp nhận sự thay đổi sẽ khích lệ tiềm năng của mỗi cá nhân và từ đó đem lại kết quả tốt nhất cho công ty. Điều duy nhất cần thiết bây giờ là du di thêm một chút thời gian và sự khoan dung chân thành mà thôi.

Leave a comment